Phun môi là công nghệ làm đẹp giúp đôi môi căng mọng, gợi cảm được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, không phải trường hợp phun môi nào cũng thành công. Bên cạnh việc mang lại nhiều ưu điểm về mặt thẩm mỹ nhưng nếu thực hiện không đúng cách vẫn xảy ra tình trạng phun môi bị hỏng. Vậy dấu hiệu phun môi bị hỏng là gì và đâu là cách xử lý? Cùng Học Viện Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu tìm hiểu và đưa ra cách khắc phục tại bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu về những dấu hiệu phun môi bị hỏng (Ảnh: Internet)
Phun môi là gì?
Nhu cầu chăm sóc sắc đẹp tăng cao dẫn đến sự ra đời của một loạt các liệu pháp làm đẹp nhanh, hiệu quả. Phun môi là một kỹ thuật giúp môi có màu sắc tự nhiên, không trôi, không phai màu…
Phun môi hay xăm môi là phương pháp mà các kỹ thuật viên phun xăm sẽ dùng một cây bút chuyên dụng với phần đầu bút có gắn kim với kích thước rất nhỏ, từ đó phun màu mực vào lớp thượng bì của môi. Sau khi phun môi có tình trạng sưng nhẹ nhưng sau 1 – 2 ngày sẽ tự động giảm dần và biến mất. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phun môi không lên màu, tệ hơn là môi phun bị hư.
Nguyên nhân phun môi bị hỏng
Cơ sở phun môi không chất lượng
Cơ sở có thể thực hiện xăm, phun môi phải được Bộ Y Tế Việt Nam cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp kém chất lượng vẫn đang tồn tại và hoạt động tràn lan. Khi thực hiện phun môi tại các cơ sở này, với điều kiện vệ sinh kém, trang thiết bị không được vô trùng, chất lượng máy móc lỗi thời, lạc hậu sẽ làm tăng khả năng phun môi bị hỏng.
Kỹ thuật viên phun xăm tay nghề kém
Bên cạnh yếu tố về cơ sở và trang thiết bị, tay nghề của kỹ thuật viên thực hiện phun xăm cũng rất quan trọng. Do vậy, nếu người kỹ thuật viên không đảm bảo được an toàn, các nguyên tắc vô khuẩn vừa khiến môi không lên được màu đẹp, vừa gây biến chứng viêm nhiễm.
Tay nghề của kỹ thuật viên thực hiện phun môi rất quan trọng (Ảnh: Internet)
Màu mực phun môi kém chất lượng
Màu mực kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, có chứa những chất độc hại, gây kích ứng cho người sử dụng, sau đó sẽ gây nhiễm trùng, dị ứng, nổi mụn nước… Ngoài ra, mực kém chất lượng sẽ khiến môi bị thâm sau khi phun, khó lên màu, màu loang lổ gây mất thẩm mỹ, không đáp ứng được tiêu chí trong ngành phun xăm.
Chế độ ăn uống, vệ sinh sau khi phun không đảm bảo
Sau khi phun môi cần có những cách chăm sóc riêng cho môi bạn cần nắm rõ như: Tránh để môi dính nước, vệ sinh hàng ngày đúng cách, không ăn thức ăn đậm màu hay quá nhiều đạm…
Dấu hiệu phun môi bị hỏng
Bên cạnh nhiều ưu điểm mà phun môi mang lại, có nhiều lý do gây môi xăm bị hỏng, dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe cũng như yếu tố thẩm mỹ vùng môi.
Môi bị ngứa, mưng mủ đau nhức
Mưng mủ, đau nhức là dấu hiệu của phun môi bị nhiễm trùng. Trong trường hợp môi sưng, đau nhẹ bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng cách vệ sinh, điều chỉnh ăn uống hay uống thuốc. Tuy nhiên, nếu môi bắt đầu sưng to đỏ tấy, đau rát, nặng hơn là lở loét kèm chảy dịch vàng với mùi khá đặc trưng, thì đây là dấu hiệu của môi phun hỏng đã trở nặng.
Những người có hệ miễn dịch yếu có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn hay sốt nhẹ. Đối với tình trạng trở nặng như trên, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất hoặc đơn vị thực hiện phun môi để bác sĩ, chuyên gia thăm khám kịp thời, tránh để lâu ngày sẽ khiến môi bạn bị hoại tử, để lại sẹo và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Mụn nước xuất hiện trên môi
Khi thực hiện kỹ thuật phun môi, nếu sau 1 – 2 ngày mà viền môi bị sưng và xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti thì có thể phun môi đã bị hư. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự xuất hiện nhanh chóng của virus Herpes simplex-1 (HSV) gây viêm da.
Các nốt mụn nước có khả năng phát triển thành mảng quanh miệng rồi lây lan ra các khu vực khác, khiến môi bị lở loét. Điều này gây mất thẩm mỹ và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ăn uống.
Dấu hiệu phun môi bị mụn nước (Ảnh: Internet)
Viền môi bị lộ và lem viền
Trong quá trình phun môi, các kỹ thuật viên thường sẽ thực hiện phun xăm ở viền môi trước, trong trường hợp phun môi bị hỏng, phần viền môi sẽ có màu đậm và khác biệt hơn so với màu sắc trong lòng môi. Tay nghề của kỹ thuật viên còn non tay, thiếu kinh nghiệm sẽ dẫn đến tình trạng không xác định rõ viền môi, gây lem viền môi.
Viền môi bị lộ hoặc bị lem là dấu hiệu phun môi hư (Ảnh: Internet)
Màu môi không đều, loang lổ
Nguyên nhân gây môi phun xăm bị loang lổ, không đều màu thường đến từ màu mực không chất lượng. Đây là dấu hiệu phun môi bị hư dễ thấy nhất. Nếu sau khoảng 30 ngày khi môi đã lành và bong vảy, nhưng màu vẫn chỗ đậm chỗ nhạt thì chứng tỏ phun môi bị hư. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác có thể tới từ cơ địa da dầu hay bệnh tiểu đường, điều này khiến mực phun khó bám và dễ trôi làm màu môi không đồng đều.
Màu môi thâm, tím
Màu môi thâm tím là dấu hiệu môi phun hỏng thường gặp nhất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do mực phun kém chất lượng, đi kim quá sâu, quá mạnh khiến máu bị tụ bầm.
Cách xử lý phun môi bị hỏng
Thăm khám tại cơ sở uy tín
Sau khi phun môi, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu sưng đau, xuất hiện mụn nước, nhiễm trùng… thì bạn nên đến ngay các cơ sở uy tín để nhận sự can thiệp của bác sĩ, chuyên gia. Tuyệt đối không nên tự xử lý, đồng thời tránh để tình trạng kéo dài dẫn đến hoại tử môi.
Vệ sinh bằng nước muối sinh lý
Trường hợp từ 1 – 2 ngày sau khi phun, môi bị sưng, đau nhức, bạn có thể khắc phục tại nhà bắng cách dùng nước muối sinh lý để sát khuẩn, vệ sinh môi. Bạn chuẩn bị một ít bông mềm, thấm vào nước muối sau đó bôi nhẹ nhàng lên khu vực môi. Tuy nhiên, sau khi vệ sinh nước muối sinh lý từ 2 – 3 ngày nếu môi vẫn tiếp tục sưng và có các dấu hiệu đau nhức hoặc xuất hiện mủ thì bạn nên tới các cơ sở y tế hoặc cơ sở phun xăm để được thăm khám và điều trị.
Vệ sinh môi nhẹ nhàng bằng nước muối và bông (Ảnh: Internet)
Dặm hoặc tái phun môi
Với những trường hợp phun môi thất bại hoặc màu lên không đẹp, quan trọng nhất vẫn là thực hiện theo các biện pháp chăm sóc và vệ sinh môi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sau 3 – 6 tháng, khi môi đã phục hồi hoàn toàn mà vẫn chưa lên màu, bạn có thể thực hiện dặm môi, tái phun tùy theo tình trạng của môi.
Những lưu ý để phun môi lên màu chuẩn đẹp nhất
- Vệ sinh môi bằng khăn mềm và nước ấm. Đảm bảo vắt kiệt nước trước khi lau để tránh quá nhiều nước đọng trên môi, nhất là khi môi chưa ổn định.
- Trong 3 ngày đầu sau phun môi, bạn nên ăn các loại đồ ăn mềm. Sau đó, đợi môi ổn định hơn bạn có thể chuyển qua ăn cơm.
- Bổ sung nhiều loại hoa quả giàu vitamin A và vitamin C như dứa, cam, cà chua, cà rốt để môi nhanh hồi phục và lên màu đẹp.
- Không bóc môi khi môi bắt đầu bong. Để vảy môi được tự bong tróc dần.
Trên đây là những dấu hiệu phun môi bị hỏng mà Học Viện Chăm Sóc Sắc Đẹp muốn gửi tới bạn. Hi vọng rằng thông qua bài viết, bạn đã biết cách khắc phục tình trạng một cách tích cực, hạn chế để lại hậu quả cho cả ngoại hình và sức khỏe. Đồng thời, hãy tìm hiểu thật kỹ phương pháp làm đẹp bạn quan tâm và lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn cho bản thân nhé.
Ý kiến của bạn